Người cuối cùng của lớp Mỹ thuật Kháng chiến vẫn cầm bút vẽ sau hơn bảy thập kỷ

Bước sang tuổi 95, họa sĩ Ngọc Linh vẫn minh mẫn, miệt mài chuẩn bị cho buổi triển lãm cá nhân thứ 12 “Con Đường Của Tôi”. Dù bận rộn đón tiếp bạn bè, khách mời gần xa, ông vẫn ưu tiên dành ra khoảng hơn một tiếng chia sẻ cho chúng tôi nghe về hành trình nghệ thuật bền bỉ, trước khi tiếp tục đón tiếp mọi người.

Ở tuổi xế chiều, mái tóc bạc phơ không làm lu mờ nét phong trần lãng tử một thời. Ông vẫn mang trong mình ngọn lửa sáng tạo mạnh mẽ, điều mà chúng tôi có thể cảm nhận rõ qua từng cử chỉ, ánh mắt của họa sĩ. Dẫn chúng tôi đến một góc triển lãm để trò chuyện, họa sĩ lão thành bắt đầu kể về những tháng ngày đã qua, như thể sống lại những ký ức của một thời gian khó nhưng đầy nhiệt huyết: “Tôi tham gia kháng chiến từ lúc 16 tuổi, từ chiến khu Việt Bắc đến Điện Biên Phủ. Nhưng số trời phật quý, sống được qua bom đạn”.

Tham gia Cách mạng khi còn trẻ, họa sĩ Ngọc Linh từng là y tá trong Đoàn giải phẫu lưu động do bác sĩ Tôn Thất Tùng phụ trách (1946-1948). Cuối năm 1949, sau khi tốt nghiệp khóa V trường Lục quân, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác khi tình cờ gặp một người đàn ông say sưa vẽ khung cảnh trước mặt bên giá vẽ – đó chính là danh họa Trần Văn Cẩn. Khi bày tỏ niềm yêu thích hội họa, ông được danh họa thông tin về trường Mỹ thuật cùng Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật đang tuyển sinh khóa học Mỹ thuật và bảo Ngọc Linh ứng tuyển. Nhờ lá thư giới thiệu từ anh rể – bác sĩ Tôn Thất Tùng, chàng trai trẻ rời trường Lục quân sang trường Mỹ thuật để quyết tâm theo đuổi đam mê hội họa. 

“Hầu hết các bạn học cùng khóa đã có nền tảng hội họa từ trước, còn tôi đã học ai đâu. Tôi chỉ thích vẽ từ nhỏ, xem phim Pháp rồi tự quan sát, đúc kết”. Vậy mà vượt qua các “đối thủ nặng ký”, họa sĩ Ngọc Linh đã đạt bài kiểm tra đầu vào và trở thành một trong tổng số 22 sinh viên của khóa Mỹ thuật Kháng chiến. 

Với họa sĩ Ngọc Linh, khóa Kháng chiến không chỉ là một lớp học mà còn là gia đình thứ hai. Nhớ về những ngày tháng ấy, ông bồi hồi: “Thời chiến tranh, chúng tôi sống với dân hết, các thầy cũng vậy. Lúc đó, tôi gọi thầy Tô Ngọc Vân và thầy Trần Văn Cẩn bằng anh, xưng em. Nói là trường học nhưng tình nghĩa như gia đình”. 

Nhắc đến những khó khăn ngày đó, ông kể mơ ước có một cây bút chì cũng khó, bột màu thì hiếm, có khi phải dùng đất đỏ thay thế. Vậy nhưng, không gì làm khó được chàng họa sĩ trẻ, không đủ dụng cụ vẽ, cũng không được học bài bản từ trước, ông vẫn bền bỉ rèn luyện, lắng nghe từng lời chỉ dạy, quan sát từng đường nét của thầy, học và vẽ, không thoái chí hay nản lòng. 

Trải qua bao năm tháng kháng chiến khốc liệt, nhưng tranh của họa sĩ Ngọc Linh lại không có bom đạn, khói lửa mà hội họa của ông luôn bừng sáng tinh thần lạc quan. Ông phát triển nghệ thuật bằng một góc nhìn phóng khoáng, tràn đầy sức sống. Là người dân tộc thiểu số, từng gắn bó với quân ngũ và núi rừng Tây Bắc, ông đặc biệt yêu thích vẽ phong cảnh và sinh hoạt của các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, những bức tranh về Hạ Long, Quảng Ninh, chân dung bạn bè, người thân và các góc phố rêu phong của Hà Nội xưa cũng là dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của ông. Dù là đề tài nào, tranh của Ngọc Linh cũng tràn đầy sắc màu tươi sáng, thể hiện bằng nhiều chất liệu như bột màu, sơn dầu, lụa, sơn mài…

Khi được hỏi về lý do luôn hướng đến mảng màu tươi sáng, ông khẳng định: “Tôi không chọn. Tôi cảm thấy cuộc đời mình không có gì khó khăn, tôi là người hạnh phúc, không thể vẽ buồn được. Trong giới mỹ thuật vẫn hay bảo “Ngọc Linh đã bao giờ buồn rầu?”, tôi bảo không”.

Họa sĩ giải thích thêm: “Đất nước mình càng ngày càng tươi đẹp và khi rong ruổi khắp nơi trên đất nước, có thêm nhiều tư liệu, tôi đều muốn đưa cái đẹp ấy vào tranh để dâng hiến cho đời, mang lại niềm vui cho mọi người”.

Nhờ tâm hồn tươi trẻ, ông có rất nhiều bạn bè trong giới văn nghệ sĩ: nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Văn Cao… Cả những nhân vật chính trị như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng… quý mến ông vì tính cách cởi mở, nhiệt thành. Không ít người khi xem tranh đều nhận xét: “Ngọc Linh là họa sĩ của mùa xuân”.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh nhận định: “Nghệ thuật của ông nhẹ nhàng và tinh khôi mà đầy biến ảo tinh tế và sâu sắc tình yêu, tràn đầy khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp. Sức hấp dẫn và truyền tải ở tranh Vi Ngọc Linh là mãi mãi mùa xuân!”.

Ông mong muốn tranh của mình có thể chạm đến cảm xúc của mọi người, từ trẻ nhỏ đến người già, từ người yêu hội họa đến cả những ai không chuyên. Như bức tranh vẽ con mèo mặc áo giáp được treo tại triển lãm, ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản nó đang bắt cá, nhưng ông giải thích: “Thời đó, bà con cán bộ còn khó khăn, tôi vẽ con mèo mặc áo giáp đi gần biển để kiếm cá mà ăn, vì nếu ở trên cạn thì chết đói mất. Đó là cách tôi gửi gắm thông điệp về sự tự lực cánh sinh và cuộc sống no ấm”. Quả thực, phải đi nhiều, khám phá nhiều, họa sĩ mới có đủ tư liệu để có những đường cọ trong các tác phẩm vừa mang cho đời sự lạc quan vừa đầy ý nghĩa nhân văn.

Sau khi hoàn thành khóa học Mỹ thuật Kháng chiến, họa sĩ Ngọc Linh được phân công về Xưởng phim truyện Việt Nam làm họa sĩ thiết kế mỹ thuật. Ông là một trong số ít họa sĩ đầu tiên tham gia xây dựng, đặt những viên gạch đầu tiên cho nền thiết kế mỹ thuật của điện ảnh Việt Nam. Trong hơn hai mươi năm gắn bó với lĩnh vực này, ông đã thiết kế mỹ thuật cho 25 bộ phim truyện đình đám như: “Vợ Chồng A Phủ”, “Kim Đồng”, “Lửa rừng”, “Sao tháng Tám”, “Ông tiên trong tù”… 

Trong buổi triển lãm, chúng tôi say sưa nghe ông kể về quá trình thực hiện bối cảnh phim. Thời đó, khi máy ảnh còn hiếm, thiết kế mỹ thuật điện ảnh gần như hoàn toàn dựa vào khả năng quan sát thực tế của họa sĩ. Ông rong ruổi khắp nơi, tích lũy vốn sống để dựng bối cảnh, thiết kế phục trang, đạo cụ cho phim. Khi thực hiện “Vợ chồng A Phủ”, để có được những thước phim sống động nhất, ông đã lên Tây Bắc một tháng để nghiên cứu đồng bào dân tộc Mèo, sống cùng bà còn để hiểu về văn hóa, lối sống của họ.

Chia sẻ về hành trình thực hiện lĩnh vực điện ảnh của mình, người họa sĩ lão thành tâm sự: “Tôi không được học bài bản, chỉ đúc kết từ những kinh nghiệm thầy Tô Ngọc Vân dạy cũng như vốn sống, tôi vẽ thẳng luôn chứ không bao giờ làm phác thảo bố cục”. Chính trải nghiệm thực tế đã giúp tranh của ông luôn mang hơi thở cuộc sống, chân thực nhưng vẫn tràn đầy sức sống và niềm vui.

Nhận xét về giá trị lịch sử các tác phẩm của họa sĩ Ngọc Linh, ông Dương Trung Quốc (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho biết: “Trước tiên, để đánh giá và chính họa sĩ Ngọc Linh, tuổi tác của ông đã chứng minh rằng ông là người lao động liên tục trong nghệ thuật. Thứ hai, ông cũng là một thế hệ có thể nói là thế hệ khởi đầu cho nghệ thuật hiện đại và cách mạng Việt Nam. Ông là học trò đầu tiên của thế hệ các thầy của trường phái Đông Dương và đã trải qua thực tiễn của những cuộc kháng chiến giành độc lập, đồng thời xây dựng đổi mới. Thứ ba, ông là một thành viên của một dân tộc ít người, nhưng lại rất giàu về giá trị nghệ thuật to lớn, đó là cộng đồng người Tày. 

Vì vậy, tất cả các tác phẩm của ông phản ánh rất nhiều hình ảnh của núi rừng và sơn cước. Bản thân ông, trưởng thành trong một gia đình được học hành rất đầy đủ, nhưng lại gắn chặt từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành là với thủ đô Hà Nội. Cho nên, chúng ta thấy rất đậm chất hiện đại của một trung tâm văn hóa lớn nhất của đất nước. Ba yếu tố đó có thể nói là không mấy người, kể cả họa sĩ cùng thế hệ của ông có được. Cho nên, tôi nghĩ rằng di sản mà ông để lại là di sản đặc thù, và với con người có 70 năm cầm bút để vẽ, đó là một di sản rất giá trị”.

Thực hiện: Xuân Ly – Ngân Hà

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *