Không chỉ là một đồ án tốt nghiệp, bộ nhận diện thương hiệu dành cho Bảo tàng Hà Nội của Dương Đức Anh còn là tâm huyết của một người trẻ với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa – lịch sử đến thế hệ đồng trang lứa. Đức Anh đã tìm cách dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, để văn hóa không chỉ được lưu giữ mà còn sống động, gần gũi hơn với công chúng trẻ.
Dương Đức Anh – nam sinh Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đã khiến nhiều người ấn tượng với đồ án tốt nghiệp của mình – Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho Bảo tàng Hà Nội (Design Branding Hanoi Museum). Không chỉ nổi bật nhờ tính sáng tạo và độc đáo, dự án của Đức Anh còn thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, mang đến một diện mạo mới mẻ cho không gian văn hóa. Với mong muốn kết nối thế hệ trẻ với di sản văn hóa, Đức Anh đã tạo ra một bộ nhận diện không chỉ thu hút sự chú ý mà còn kích thích sự tò mò, khơi gợi niềm yêu thích khám phá lịch sử và văn hóa dân tộc.
Dương Đức Anh tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Bộ nhận diện hài hòa giữa giá trị truyền thống và tính hiện đại
PV: Xin chào Đức Anh, cảm ơn bạn đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Bộ nhận diện thương hiệu dành cho Bảo tàng Hà Nội của bạn nhận được nhiều sự quan tâm bởi sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hơi thở đương đại. Vậy bạn có thể chia sẻ đâu là nguồn cảm hứng chính cho bộ nhận diện thương hiệu của Bảo tàng Hà Nội? Điều gì ở bảo tàng hoặc Hà Nội đã thôi thúc bạn sáng tạo nên thiết kế này?
Dương Đức Anh: Nguồn cảm hứng chính cho bộ nhận diện thương hiệu lần này chính là sự tò mò, niềm yêu thích cũng như là sự quan tâm đến vẻ đẹp độc đáo của văn hóa nghệ thuật lịch sử nước nhà. Việt Nam mình vốn dĩ đã có rất nhiều những tác phẩm hay công trình kiến trúc đặc biệt và đầy tính nghệ thuật độc đáo riêng biệt mình rất thích và ấn tượng bởi những giá trị mà cha ông ta đã hình thành phát triển từ thời xa xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Chính vì vậy, khi đến tham quan bảo tàng mình đã bị ấn tượng bởi nét kiến trúc độc đáo với hình dạng kim tự tháp ngược cảm hứng chính là hình ảnh Chùa Một Cột và chiếc mũ bình thiên. Hiện tại bảo tàng chưa có một hệ thống nhận diện đủ tốt để quảng bá nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ người sẽ là cầu nối văn hóa của Việt Nam. Đó cũng là niềm cảm hứng lớn nhất để mình bắt tay vào xây dựng bộ thương hiệu lần này.
PV: Bạn đã nghiên cứu những yếu tố văn hóa, lịch sử nào của Hà Nội để đưa vào bộ nhận diện? Có yếu tố nào đặc biệt quan trọng hoặc gây ấn tượng sâu sắc với bạn không?
Dương Đức Anh: Trong quá trình làm bài cũng như là nghiên cứu, Bảo tàng Hà Nội là bảo tàng gìn giữ rất nhiều di sản, cổ vật đa dạng văn hóa của Việt Nam chính vì thế mà mình phải dựa vào những yếu tố, hình ảnh gần gũi cũng như đặc trưng nhất về văn hóa dân tộc ta. Ngoài ra bảo tàng cũng được mang tên là “Bảo tàng Hà Nội” chính vì vậy mình cũng cần làm sao để khi mọi người nhìn vào và thấy được cái tinh thần và chất liệu của thủ đô một bảo tàng mang hơi thở và ở thành phố Hà Nội.
Yếu tố đặc biệt quan trọng và gây ấn tượng sâu sắc nhất với mình có lẽ là hình ảnh Khuê Văn Các – Văn Miếu. Bởi đây cũng chính là biểu tượng để nói lên Hà Nội và được khai thác rất nhiều khi nói về Hà Nội. Mình nghĩ không cần phải quá cao siêu hay suy nghĩ sâu xa vì lịch sử và văn hóa vốn dĩ đã vậy, mình chỉ cần làm nó mới mẻ hơn chút cũng như tạo niềm hứng khởi cho các bạn trẻ khi muốn tìm hiểu về lịch sử. Vì vậy, mình đã bám vào biểu tượng Khuê Văn Các này để là một trong những yếu tố then chốt tạo nên các tín hiệu của bộ nhận diện.
Cảm hứng từ văn hóa Hà Nội được Đức Anh thể hiện ấn tượng trong các tín hiệu đồ họa của bộ nhận diện. (Ảnh: NVCC)
PV: Bạn có thể mô tả quá trình sáng tạo của mình khi thiết kế bộ nhận diện này được không? Bạn bắt đầu từ đâu và đi qua những giai đoạn nào?
Dương Đức Anh: Quá trình mình bắt đầu nhận đồ án tốt nghiệp, mình cũng đã tìm hiểu và lựa chọn ra rất nhiều đề tài để duyệt với giảng viên hướng dẫn từ các thương hiệu khác nhau, cuối cùng sau khi cô trò thảo luận và chốt về phương án làm nhận diện cho Bảo tàng Hà Nội, cô cũng đã nói với mình đây là một đề tài khá khó nhưng cũng đáng để thử vì sẽ có nhiều yếu tố giúp mình có thể đột phá và có kết quả tốt. Chính vì thế, mình cũng không nghĩ ngợi nhiều và bắt tay vào thực hiện.
Bước đầu mình nghiên cứu về đề tài từ lịch sử ra đời của bảo tàng đến các thông tin hiện trạng của bảo tàng, giá trị bảo tàng cũng như các dịch vụ mà bảo tàng đã và đang đem đến cho người dân.
Song song với việc nghiên cứu qua các trang mạng điện tử, mình cũng đi thực tế đến bảo tàng khác nhiều lần để chụp ảnh tư liệu, tìm hiểu về cách bài trí, trưng bày hiện vật và không gian một cách sâu hơn để phục vụ vào việc thiết kế sao cho phù hợp như khi đưa vào thực tế.
Cuối cùng, mình nghiên cứu đến các hình ảnh, tín hiệu đặc trưng của Hà Nội và văn hóa Việt bằng việc đi một vài địa điểm di tích lịch sử Hà Nội để nhìn ngắm và lấy cảm hứng các chi tiết tại nơi đó để tạo ra một hệ thống nhận diện độc đáo hiện đại những vẫn giữa tinh thần truyền thống.
PV: Trong quá trình thực hiện, ý tưởng thiết kế có sự thay đổi như thế nào từ khi bạn bắt đầu cho đến khi hoàn thành? Đâu là những yếu tố chính chi phối sự thay đổi đó?
Dương Đức Anh: Trong quá trình lên ý tưởng và thực hiện, mình đã thử nghiệm và đề xuất khá nhiều hướng triển khai cho bộ nhận diện. Tuy nhiên, một số ý tưởng vẫn chưa thật sự nổi bật hoặc chưa thể hiện đúng định hướng mà mình mong muốn. Dù vậy, thực tế không có nhiều thay đổi, vì chỉ khoảng 1–2 phương án bị loại bỏ, mình và giảng viên đã thống nhất lựa chọn một định hướng cụ thể để triển khai. Yếu tố then chốt chi phối quá trình này là việc cân bằng hài hòa giữa giá trị truyền thống và tính hiện đại trong bộ nhận diện.
PV: Đâu là thách thức lớn nhất mà bạn gặp phải trong quá trình thiết kế? Bạn đã vượt qua thách thức đó như thế nào?
Dương Đức Anh: Yếu tố chi phối mình nhiều nhất và thách thức nhất chính là việc cân bằng giữa giá trị truyền thống và tính mới mẻ hiện đại. Phải làm sao cho yếu tố truyền thống không bị mờ nhạt sáo mòn hay việc sáng tạo cái mới không làm mất đi bản sắc.
Từ những trăn trở đó, mình đã có hướng giải quyết bằng việc sử dụng những hình ảnh thân thuộc và màu sắc gần gữi của Hà Nội như gạch bông, cửa ô, mái đình… để khai thác. Sau đó, tinh giản những yếu tố đó bằng ngôn ngữ thiết kế hiện đại, với các đường nét hình khối tối giản, nhờ đó, thiết kế vừa có chiều sâu về văn hóa vừa gần gũi với người trẻ.
Bài toán cân bằng giữa giá trị truyền thống và tính hiện đại được Đức Anh tính toán tỉ mỉ qua từng chi tiết đồ họa. (Ảnh: NVCC)
Lan tỏa giá trị lịch sử đến với giới trẻ theo ngôn ngữ của thiết kế
PV: Bạn có kỷ niệm hoặc câu chuyện đáng nhớ nào muốn chia sẻ trong quá trình thiết kế bộ nhận diện?
Dương Đức Anh: Quá trình thiết kế của mình khá thuận lợi, nên cũng chưa có nhiều kỷ niệm. Tuy vậy, mình nghĩ câu chuyện mình thấy là thú vị và cũng có thể gọi là kỷ niệm để cũng là một phần đưa mình đến quyết định làm đề tài này chính là kỷ niệm về lần đầu tiên mình bước chân lên Hà Nội để thi năng khiếu vào trường.
Địa điểm mình đặt chân đến đầu tiên chính là Văn Miếu – Quốc Tử Giám, để mình có thể cầu may mắn vào kì thi sắp tới. Chính vì vậy, hình tượng Khuê Văn Các đã in sâu trong tâm trí của mình. Mình cũng hay ví von ‘bắt đầu ở đâu thì kết thúc ở đó’ nên mình nghĩ khép lại 5 năm đại học thì tại sao không làm gì đó có hình ảnh của Khuê Văn Các, sẽ khá thú vị và có nhiều điều để nói về sau.
PV: Trong bộ nhận diện này bạn có sự đầu tư chỉnh chu về rất nhiều yếu tố như logo, màu sắc, phông chữ, áp dụng trên các ấn phẩm, mạng xã hội… Vậy đâu là phần ứng dụng đồ họa mà bạn tâm đắc nhất? Vì sao?
Dương Đức Anh: Trong bộ nhận diện lần này, yếu tố mình tâm đắc nhất chính là bộ phông chữ riêng cho thương hiệu. Có lẽ một phần bởi mình đầu tư khá nhiều ý tưởng và thời gian dành cho việc xây dựng lên bộ phông cũng như cảm hứng về kỉ niệm lần đầu cùng bố lên thi năng khiếu với hình ảnh Khuê Văn Các đầy dấu ấn cũng đã được mình lồng ghép trong bộ phông chữ lần này.
PV: Bộ nhận diện được lấy ý tưởng từ các biểu tượng, hình mẫu quen thuộc trong văn hóa, lịch sử. Vậy bạn đã sắp xếp và ứng dụng những biểu tượng đấy theo một hệ thống như thế nào?
Dương Đức Anh: Mình đã triển khai những biểu tượng tín hiệu đó dạng ô lưới geometric, đây là dạng tín hiệu không phải mới và độc lạ, tuy nhiên nó vẫn đang hiệu quả từ trước đến nay. Việc đổi mới hay độc đáo có lẽ chính là nội dung và tinh thần cũng như cách thể hiện mà người làm ra hệ thống đó cải thiện sáng tạo nên.
PV: Sau khi được biết đến rộng rãi trên mạng xã hội và có cuộc gặp gỡ với Ban lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội, cảm xúc của bạn hiện tại như thế nào?
Dương Đức Anh: Cảm xúc hiện tại của mình đầu tiên chắc chắn là vui sướng vì một đồ án tâm huyết khép lại hành trình học tập tại trường lại có thể được mọi người chú ý nhiều đến như vậy.
Sau đó, mình lắng nghe các ý kiến nhận xét của mọi người trên mạng xã hội để bản thân có thể rút kinh nghiệm nhiêu hơn cũng như cố gắng nỗ lực cải thiện nhiều hơn trong hành trình làm nghề của mình. Về cuộc gặp gỡ với Ban lãnh đạo Bảo tàng, mình cũng bất ngờ và hạnh phúc vì từ cuộc gặp gỡ này mình sẽ mở ra nhiều cơ hội mới đặc biệt hơn trong tương lai.
Cuộc gặp gỡ với Ban Lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội giúp Đức Anh có bước đệm để phát triển, ứng dụng bộ nhận diện vào thực tế. (Ảnh: NVCC)
PV: Bạn có kỳ vọng gì về việc bộ nhận diện này sẽ được ứng dụng và phát triển trong tương lai?
Dương Đức Anh: Với đồ án bộ nhận diện lần này của mình, mọi thứ đang chỉ dừng lại ở việc đây là một đồ án tốt nghiệp xuất sắc. Để nói đến việc ứng dụng và phát triển cần phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cũng như sẽ phải tinh chỉnh sao cho phù hợp nhất với tinh thần bảo tàng mong muốn. Dù vậy, mình cũng đã rất hạnh phúc khi nỗ lực của mình được công nhận và đánh giá tốt. Hy vọng trong tương lai, đồ án này sẽ là bước đệm để phát triển ra một bộ nhận diện mới và phù hợp để đưa vào thực tế trên bảo tàng.
PV: Bạn mong muốn bộ nhận diện này sẽ mang lại những ý nghĩa nào cho Bảo tàng Hà Nội và công chúng?
Dương Đức Anh: Mình mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam rộng rãi hơn đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ – những người sẽ gánh vác trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, điều mình có thể làm tốt nhất ở thời điểm hiện tại là thể hiện tinh thần đó thông qua ngôn ngữ thiết kế hình ảnh, nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với bảo tàng. Mình hy vọng hình ảnh bộ nhận diện sẽ khơi gợi sự tò mò trong họ, từ đó thúc đẩy hành động – đến bảo tàng, tìm hiểu xem nơi đây có gì đặc biệt mà mình lại dành nhiều tâm huyết như vậy và được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi. Theo cách đó, mình tin rằng mình đang góp phần quảng bá hiệu quả cho bảo tàng, thu hút nhiều người đến tham quan và khám phá hơn.
PV: Cảm ơn bạn đã tham gia buổi phỏng vấn.