Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trầm mặc của Hà Nội ngàn năm, dự án “Kinh Đô Kỳ Họa” do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khởi xướng đã và đang thổi luồng sinh khí mới vào di sản văn hóa. Qua lăng kính sáng tạo, lịch sử được tái hiện sinh động trên nền tảng số, mở ra một nhịp cầu kết nối quá khứ và hiện tại.
PV: Điều gì đã khơi dậy ý tưởng cho các bạn xây dựng dự án “Kinh Đô Kỳ Họa”?
Nguyễn Thị Lan Anh (Trưởng dự án): Giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến, mỗi mái ngói rêu phong, mỗi con đường gạch cũ đều thầm thì kể chuyện xưa. Chính từ mạch nguồn văn hóa ấy, ý tưởng cho dự án “Kinh Đô Kỳ Họa” được khơi dậy như một cách để đánh thức di sản văn hoá qua lăng kính của người trẻ hiện đại. Trong thời đại mà hình ảnh lên ngôi, khi giới trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin qua thị giác, thì việc tái hiện lịch sử qua những mô hình sống động hay các trò chơi văn hoá trên nhiều nền tảng mạng xã hội trở thành một con đường mới để đưa văn hóa đến gần công chúng. Không còn là những trang sách khô khan hay lời giảng rập khuôn, Thăng Long hiện lên qua sự làm mới được nhóm gửi vào đó chiều sâu của văn hóa. Đó không chỉ là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, mà còn là lời mời gọi thế hệ hôm nay trở về, lắng nghe và tự hào về một Hà Nội nghìn năm vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn dân tộc.
PV: Ở Hà Nội cũng có rất nhiều di tích văn hóa – lịch sử, vậy điều gì đưa các bạn chọn Hoàng thành Thăng Long làm bối cảnh, nguồn chất liệu di sản cho dự án?
Nguyễn Thị Lan Anh: Hoàng thành Thăng Long được chọn làm bối cảnh và nguồn chất liệu di sản cho dự án vì đây là một di tích lịch sử – văn hóa có giá trị đặc biệt, vừa tiêu biểu, vừa độc đáo trong dòng chảy lịch sử của Thăng Long – Hà Nội và cả nước. Hoàng thành Thăng Long không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị suốt hơn 1.000 năm mà còn là nơi lưu giữ nhiều tầng văn hóa, kiến trúc và di sản khảo cổ học quý giá.
Ngoài ra, việc chọn Hoàng thành Thăng Long cũng thể hiện mong muốn kết nối giới trẻ với lịch sử thông qua một địa điểm gần gũi, dễ tiếp cận, nhưng vẫn mang đậm chiều sâu lịch sử và văn hóa. Không gian và ý nghĩa biểu tượng của Hoàng thành giúp dự án có được nền tảng nội dung phong phú và truyền cảm hứng mạnh mẽ.
PV: Ngoài những bối cảnh hiện tại, có chi tiết hay hình ảnh nào trong di sản mỹ thuật – điêu khắc xưa khiến nhóm đặc biệt ấn tượng và muốn tái hiện lại không?
Nguyễn Thị Lan Anh: Một trong những công trình di sản mà nhóm đặc biệt ấn tượng và rất mong muốn được tái hiện lại chính là Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đủ tài liệu và kết quả nghiên cứu xác thực, rõ ràng về kiến trúc nguyên bản của công trình này. Vì vậy, dù rất tiếc, nhóm chũng mình đã quyết định tạm thời không đưa Điện Kính Thiên vào sản xuất mô hình để đảm bảo tính chính xác và tránh việc tái hiện sai lệch. Chúng mình hy vọng trong tương lai, khi có thêm tư liệu khoa học và khảo cổ mới, dự án sẽ có cơ hội tái hiện lại công trình này một cách trọn vẹn.
PV: Trong quá trình tái dựng mô hình di sản dưới góc nhìn sáng tạo, đâu là thuận lợi lớn nhất mà nhóm có được?
Nguyễn Thị Lan Anh: Một trong những thuận lợi lớn nhất mà dự án Kinh Đô Kỳ Họa có được chính là sự bảo trợ nội dung từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, mà đối với chúng mình, đó còn là sự ghi nhận và khẳng định tính nghiêm túc, giá trị và tiềm năng lan tỏa của dự án trong việc góp phần bảo tồn và truyền thông di sản văn hóa.
Nhờ sự đồng hành này, nhóm được tiếp cận với nguồn tư liệu chính thống, phong phú và chuyên sâu về Hoàng thành Thăng Long, từ kiến trúc, mỹ thuật đến bối cảnh lịch sử. Những tư liệu ấy là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu, tái dựng và đảm bảo được tính chính xác, chân thực trong từng chi tiết của các mô hình kiến trúc mà dự án thực hiện. Đồng thời, nhóm còn có cơ hội làm việc và cố vấn trực tiếp từ những người am hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử tại Hoàng thành. Qua đó, nhóm dự án có thể vững tin trong việc phát triển sản phẩm dưới góc nhìn sáng tạo nhưng vẫn không xa rời tinh thần nguyên bản của di sản.
Bên cạnh đó, sự đồng hành từ một đơn vị có uy tín như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng giúp tăng mức độ tin cậy của sản phẩm trong mắt công chúng. Đặc biệt, với vai trò là sinh viên học ngành truyền thông, việc được một tổ chức chuyên môn đồng hành chứng minh rằng dự án không chỉ dừng lại ở một hoạt động sáng tạo sinh viên, mà còn có tiềm năng thực sự trong việc kết nối thế hệ trẻ với lịch sử và góp phần đổi mới cách tiếp cận di sản văn hóa trong thời đại số
PV: Ngược lại, nhóm đã gặp phải những khó khăn cụ thể nào khi hiện thực hóa các mô hình từ di sản – cả về kỹ thuật lẫn việc giữ đúng tinh thần văn hóa?
Nguyễn Thị Lan Anh: Trải qua 2 mùa tổ chức, mình và nhóm dự án Kinh Đô Kỳ Hoạ đã gặp không ít khó khăn, cả trong quá trình xây dựng nội dung lẫn tổ chức và điều phối hoạt động.
Khó khăn đầu tiên chính là về mặt nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Vì nhóm tụi mình đều là sinh viên chuyên ngành truyền thông, nên khi bắt tay vào làm việc với những chất liệu di sản – đặc biệt là các mảng như mỹ thuật, kiến trúc lịch sử thì lượng kiến thức chuyên môn cần đào sâu là rất lớn. Việc đảm bảo độ chính xác của nội dung, vừa mang tính học thuật vừa gần gũi với công chúng, đòi hỏi tụi mình phải dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, kiểm chứng và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
Bên cạnh khó khăn về mặt chuyên môn, nhóm còn phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn lực. Là một dự án sinh viên, chúng mình không có nhiều lợi thế về nhân sự, tài chính hay thời gian. Trong khi khối lượng công việc trải dài từ việc lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm, phối hợp sản xuất Blind box, đến tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sự kiện truyền thông… Có những thời điểm, từng thành viên trong nhóm phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc một lúc để kịp tiến độ hoàn thành công việc.
Dù vậy, mình tin rằng chính những khó khăn đó đã giúp nhóm trưởng thành nhanh hơn, hoàn thiện sản phẩm và cách tổ chức hoạt động ngày một tốt hơn sau mỗi mùa.
PV: Khai thác yếu tố lịch sử và văn hóa để đưa vào một sản phẩm hiện đại sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy làm thế nào để nhóm cân bằng giữa tính chính xác về mặt lịch sử và yếu tố nghệ thuật – sáng tạo trong việc thiết kế mô hình?
Nguyễn Thị Lan Anh: Việc cân bằng giữa tính chính xác lịch sử và yếu tố nghệ thuật – sáng tạo là một trong những nguyên tắc cốt lõi mà nhóm chúng mình đặt lên hàng đầu trong quá trình thiết kế mô hình. Chúng mình hiểu rằng, khi tiếp cận di sản, đặc biệt là các công trình kiến trúc mang giá trị biểu tượng như Hoàng thành Thăng Long, việc giữ gìn tinh thần nguyên bản là điều không thể xem nhẹ. Tuy nhiên, là một dự án truyền thông sáng tạo hướng tới giới trẻ, nhóm cũng ý thức được rằng chỉ tái hiện chính xác thôi là chưa đủ, sản phẩm cần có sự cuốn hút về mặt thị giác và mang tính trải nghiệm cao thì mới có thể lan tỏa rộng rãi và chạm đến công chúng hiện đại, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Để làm được điều đó, nhóm lựa chọn cách tiếp cận “giữ nguyên tinh thần – sáng tạo về hình thức”. Cụ thể, trước mỗi thiết kế mô hình, nhóm đều bắt đầu bằng quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, kiến trúc, ý nghĩa biểu tượng của từng công trình. Chúng mình tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy, kết hợp với các buổi tham vấn ý kiến của các chuyên gia đang làm việc tại Hoàng thành Thăng Long, nhằm đảm bảo phần “xương sống” của mô hình – tức là tỷ lệ, bố cục, chi tiết quan trọng được bám sát nguyên mẫu.
Song song với việc đảm bảo chính xác về mặt nội dung, nhóm chúng mình đưa thêm vào các yếu tố sáng tạo: từ việc chọn màu sắc sinh động hơn, sử dụng các hình khối đơn giản hóa, đến việc thiết kế mô hình dưới dạng Blind Box lắp ghép, tạo cảm giác bất ngờ, thích thú cho người dùng. Nhờ sự kết hợp này, sản phẩm vừa mang tính học thuật, giúp người chơi hiểu hơn về lịch sử và kiến trúc cổ, vừa có tính tương tác, giải trí giúp quá trình tiếp cận di sản trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, việc tích hợp công nghệ như mã QR dẫn đến trải nghiệm 3D và các video kể chuyện di sản cũng là một cách nhóm dung hòa giữa kiến thức và sáng tạo, giữa truyền thống và hiện đại. Thay vì “giảng bài” về lịch sử theo cách khô khan, nhóm chọn cách kể lại câu chuyện bằng hình ảnh sống động, âm thanh, tương tác trực quan, qua đó truyền cảm hứng khám phá và học hỏi một cách tự nhiên, không áp đặt.
Chúng mình tin rằng, chính sự “giao thoa” ấy đã làm nên sức hút riêng của dự án Kinh Đô Kỳ Họa.
PV: Các chất liệu, công nghệ (in 3D, mô hình thu nhỏ…) được lựa chọn và ứng dụng như thế nào để phục vụ mục tiêu kể chuyện di sản?
Nguyễn Thị Lan Anh: Ngay từ đầu, nhóm dự án Kinh Đô Kỳ Họa đã xác định rằng: để kể chuyện di sản một cách hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của công chúng trẻ, việc ứng dụng công nghệ và lựa chọn chất liệu phù hợp đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh nội dung lịch sử được nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng mình muốn tạo ra những sản phẩm vừa có tính thẩm mỹ, vừa có khả năng tương tác cao, giúp người trải nghiệm cảm thấy di sản không còn xa cách hay khô khan.
Một trong những giải pháp nổi bật mà nhóm lựa chọn là thiết kế các bộ mô hình thu nhỏ được lắp ráp từ những viên gạch răng cưa, chất liệu nhựa ABS – an toàn, bền chắc, lại dễ thao tác. Mỗi mô hình bao gồm từ 1000 đến 2500 viên gạch răng cưa, tạo cho người chơi trải nghiệm khám phá và chạm vào lịch sử theo đúng nghĩa đen.
Ngoài mô hình vật lý, nhóm cũng tích hợp yếu tố công nghệ số để tăng chiều sâu trải nghiệm. Trong mỗi hộp sản phẩm đều có 1 thẻ thông tin kèm mã QR, khi quét mã QR này sẽ dẫn đến các nội dung bổ trợ như audio kể chuyện di sản, mô hình 3D di tích, và các tư liệu trực quan giúp người chơi hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử và giá trị văn hóa của từng công trình. Các bản mô phỏng 3D không chỉ phục vụ cho việc minh họa trên nền tảng số, mà còn là công cụ trong quá trình kiểm tra tỷ lệ, cấu trúc và thẩm mỹ so với mô hình vật lý.
PV: Không chỉ riêng những sản phẩm của dự án, kênh TikTok của “Kinh Đô Kỳ Họa” đang nhận được nhiều sự quan tâm – nhóm bắt đầu xây dựng nội dung trên nền tảng này từ khi nào và với định hướng gì?
Lê Kiều Trang (Trưởng đội Báo chí): Nhóm bắt đầu triển khai kênh TikTok “Kinh Đô Kỳ Họa” từ đầu tháng 4 – thời điểm chúng mình chuẩn bị ra mắt sản phẩm Long Thành Phục Kiến. Nhận thấy đây là nền tảng có sức lan tỏa rất mạnh trong giới trẻ và phù hợp với cách tiếp cận mới mà dự án đang theo đuổi, đó là kể chuyện quá trình thực hiện dự án về văn hoá lịch sử của sinh viên theo cách gần gũi và sinh động.
Ngay từ đầu, nhóm xác định rõ định hướng nội dung là: ngắn gọn – chân thật – truyền cảm hứng. Các video thường không quá dài, tập trung vào những câu chuyện về quá trình chúng mình sản xuất sản phẩm, thuận lợi có mà những “kiếp nạn” cũng có. Một số nội dung cũng sử dụng các trend âm thanh, hiệu ứng và phong cách dựng hình quen thuộc với Gen Z để đảm bảo video có chất lượng tốt và có khả năng tiếp cận được đông đảo tệp người xem chúng mình hướng đến.
PV: Việc sử dụng nền tảng mạng xã hội như TikTok có ảnh hưởng như thế nào đến cách nhóm kể chuyện về di sản?
Lê Kiều Trang: Việc sử dụng TikTok đã thay đổi đáng kể tư duy kể chuyện di sản của nhóm, từ cách lựa chọn nội dung đến cách truyền tải thông điệp. Nếu như trước đây, việc truyền thông về một dự án, hay cụ thể là một sản phẩm về di sản thường gắn với những hình thức nghiêm túc, có phần hàn lâm như tài liệu, bài viết dài, video tư liệu… thì với TikTok, nhóm bắt buộc phải học cách đơn giản hóa thông tin, chọn lọc điểm nhấn và kể chuyện theo phong cách gần gũi, nhiều cảm xúc hơn.
Nhờ đặc trưng của nền tảng – ngắn gọn, thị giác mạnh, bắt trend nhanh, nhóm chúng mình cũng phát triển kỹ năng viết kịch bản, biến những chủ đề tưởng chừng khô khan như kiến trúc, lịch sử, biểu tượng văn hóa… thành những mẩu chuyện giàu tính cá nhân và dễ chia sẻ.
TikTok cũng giúp nhóm chúng mình tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu – những người trẻ, đặc biệt là Gen Z. May mắn sau 1 tháng xây kênh TikTok, sản phẩm của chúng mình được đến biết nhiều hơn, đồng nghĩa với việc hình ảnh về các di tích tại Hoàng thành Thăng Long cũng đang tiếp bước đến gần hơn với các bạn trẻ.
PV: Nhóm có chiến lược cụ thể nào để “xu hướng hóa” nội dung di sản, khiến khán giả trẻ cảm thấy gần gũi và muốn chia sẻ?
Lê Kiều Trang: Ngay từ khi bắt đầu xây dựng nội dung trên TikTok, chúng mình cũng đã xác định một số yếu tố “chìa khóa” trong chiến lược sản xuất nội dung nhằm tăng khả năng lên xu hướng:
Thứ nhất, cốt lõi nhất, chính là nội dung. Nội dung chúng mình mang đến gắn liền với những câu chuyện nhóm dự án đã trải qua trong suốt quá trình thực hiện. Mỗi chi tiết nhỏ, dù là một bước ngoặt trong quá trình sáng tạo, một sự kiện bất ngờ hay thậm chí là những lỗi nhỏ mà nhóm phải khắc phục, đều có thể trở thành một câu chuyện thú vị. Những câu chuyện này không chỉ giúp người xem hiểu rõ hơn về sự nỗ lực và tâm huyết đằng sau sản phẩm, mà còn tạo ra sự kết nối cảm xúc với họ, khiến họ cảm thấy gần gũi và dễ dàng chia sẻ.
Thứ hai, đầu tư vào câu hook. Đây là yếu tố quyết định việc người xem có tiếp tục ở lại hay lướt qua. Một câu hỏi bất ngờ, một hình ảnh gây tò mò, hay một lời dẫn thú vị ngay từ 3 giây đầu đều được nhóm chúng mình đặc biệt chú trọng.
Thứ ba, tận dụng hiệu ứng và âm nhạc một cách hợp lý. Với mỗi video, âm thanh không chỉ là phần nền mà còn là “người dẫn chuyện thứ hai”. Việc lựa chọn nhạc nền phù hợp với cảm xúc video (bồi hồi, hoài cổ, hoặc sôi động…) cùng với các hiệu ứng thị giác vừa đủ giúp nội dung thêm sinh động mà không bị rối mắt. Đặc biệt, việc “bắt trend” âm thanh cũng được nhóm sử dụng linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận và dễ dàng được chia sẻ hơn.
Ngoài ra, nhóm cũng liên tục lắng nghe, học hỏi từ phản hồi của người xem để điều chỉnh cách truyền tải cho phù hợp hơn và mang đến những câu chuyện hấp dẫn hơn.
PV: Có video hoặc chiến dịch nội dung nào trên TikTok mà nhóm cảm thấy ấn tượng nhất về sức lan tỏa hoặc phản hồi từ cộng đồng?
Một trong những video mà nhóm cảm thấy ấn tượng nhất về sức lan toả chính là video review sản phẩm của chị Hà Pu. Tổng quan, chúng mình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng, phần lớn người xem video bày tỏ sự thích thú đối với sản phẩm. Hơn nữa, video được phát hành vào tháng 4 – thời điểm gắn liền với nhiều hoạt động yêu nước và sự kiện văn hóa, càng giúp cho sản phẩm Long Thành Phục Kiến trở thành một cầu nối đặc biệt giữa di sản và thế hệ trẻ ngày nay.
Thực tế, thông qua video này, không chỉ kênh TikTok của Kinh Đô Kỳ Hoạ được biết đến rộng rãi hơn, mà lượng đơn pre-order sản phẩm của chúng mình cũng tăng mạnh, gấp nhiều lần so với trước đó. Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu thời điểm bùng nổ và và sự thành công bước đầu của dự án.
PV: Theo nhóm, vai trò của mạng xã hội hiện nay trong việc kết nối công chúng – đặc biệt là Gen Z – với di sản văn hóa là gì?
Theo chúng mình, vai trò của mạng xã hội hiện nay trong việc kết nối công chúng, đặc biệt là Gen Z, với di sản văn hóa là vô cùng quan trọng và mang tính chất quyết định. Đối với Gen Z, đây là nhóm tuổi gắn liền với công nghệ và thường xuyên tiếp cận thông tin qua các nền tảng như TikTok, Instagram, Facebook… Vì vậy, mạng xã hội trở thành một công cụ mạnh mẽ để đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng trẻ.
Thông qua các video ngắn, hình ảnh, câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, di sản không còn là những khái niệm xa vời, khó hiểu mà trở nên sống động, dễ tiếp cận và gần gũi. Bằng cách kể lại những câu chuyện di sản một cách sáng tạo và hấp dẫn, mạng xã hội giúp làm mới hình ảnh của di sản, khiến người trẻ cảm thấy thú vị và có động lực tìm hiểu thêm.
Đặc biệt, với sự kết nối dễ dàng và khả năng chia sẻ rộng rãi, mạng xã hội còn giúp tạo ra một cộng đồng quan tâm đến di sản văn hóa. Các chiến dịch truyền thông về di sản có thể lan tỏa nhanh chóng, thu hút sự chú ý của đông đảo người trẻ, qua đó nâng cao nhận thức và tạo ra hành động thúc đẩy việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản xưa.
PV: Dự án muốn gửi gắm điều gì đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ, thông qua cách kể chuyện sáng tạo về di sản?
Nguyễn Thị Lan Anh: Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc kết nối thế hệ trẻ với giá trị truyền thống là một thách thức lớn. Dự án Kinh Đô Kỳ Họa mong muốn qua cách thức tiếp cận mới: biến di sản từ những công trình tĩnh tại trở thành trải nghiệm tương tác sống động. Đồng thời mang lại giá trị giáo dục, góp phần đưa Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới trở nên gần gũi hơn với giới trẻ. Khi thế hệ trẻ tự mình tìm hiểu, trân trọng và thổi hồn sáng tạo vào di sản, đó chính là cách bảo tồn ý nghĩa và bền vững nhất.
PV: Các bạn mong muốn khách hàng sẽ có cảm nhận gì sau khi trải nghiệm sản phẩm và lắng nghe câu chuyện của “Kinh Đô Kỳ Họa”?
Nguyễn Thị Lan Anh: Chúng mình hy vọng khách hàng sau khi tiếp cận và trải nghiệm sản phẩm, mỗi người sẽ có sự khám phá, thích thú với những câu chuyện văn hoá xưa. Từ đó, sự chủ động sáng tạo và kết nối của mỗi thế hệ, đặc biệt là gen Z sẽ tiếp sức cho dòng chảy lịch sử để lịch sử không dừng lại trong sách vở, mà tiếp tục lan tỏa qua từng cú chạm, từng phút nghe, được kể bằng ngôn ngữ của thời đại số.
PV: Sau thành công của mùa 2, nhóm có định hướng gì tiếp theo cho “Kinh Đô Kỳ Họa”?
Nguyễn Thị Lan Anh: Sau thành công của mùa 2, nhóm Kinh Đô Kỳ Họa đang từng bước định hình một chiến lược phát triển dài hạn, với mục tiêu đưa dự án vượt khỏi phạm vi một hoạt động sinh viên. Trong giai đoạn tiếp theo, một trong những ưu tiên hàng đầu của nhóm là chuyên nghiệp hóa quy trình tổ chức và vận hành, bao gồm cả việc tối ưu hoá quy trình làm việc nội bộ, nâng cao kỹ năng cho thành viên và chuẩn hoá cách triển khai các sản phẩm, sự kiện.
Bên cạnh việc ấp ủ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, nhóm cũng đặc biệt chú trọng đến việc mở rộng hợp tác với Ban Quản lý Di tích Hoàng thành Thăng Long. Nhóm chúng mình mong muốn tiếp tục đồng hành trong các chương trình lớn như tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, từ đó lồng ghép sản phẩm và trải nghiệm của Kinh Đô Kỳ Họa như một phần trong hành trình khám phá di sản của công chúng. Việc kết hợp giữa hoạt động trải nghiệm mô hình lắp ráp – kể chuyện di sản với một chương trình tour chuyên nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng tương tác, mang đến nhiều lớp ý nghĩa và cảm xúc hơn cho người tham gia.
PV: Nếu có thể mở rộng dự án, nhóm muốn khai thác thêm những địa điểm hoặc loại hình di sản nào khác?
Nguyễn Thị Lan Anh: Nếu có cơ hội đưa Kinh Đô Kỳ Họa tiếp tục phát triển đến mùa 3, mùa 4 và xa hơn nữa, chúng mình mong muốn tiếp tục đẩy mạnh yếu tố tương tác đa nền tảng trong cách kể chuyện di sản. Không chỉ dừng lại ở những mô hình vật lý như mô hình lắp ráp hiện tại, nhóm hướng tới việc tích hợp thêm các công nghệ mới như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), hay trò chơi tương tác trên nền tảng mạng xã hội để tạo ra những trải nghiệm sống động và gần gũi hơn. Việc kết hợp giữa di sản và các yếu tố giải trí, công nghệ hiện đại là một hướng đi tiềm năng, giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận, yêu thích và từ đó hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa truyền thống.
Về nội dung, nhóm hy vọng có thể mở rộng phạm vi di sản được khai thác – không chỉ giới hạn ở quần thể Hoàng thành Thăng Long, mà còn lan tỏa đến các công trình, địa danh có giá trị lịch sử – văn hóa đặc biệt khác trên khắp cả nước. Những địa điểm như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và các di sản tín ngưỡng khác, hoặc những công trình gắn với lịch sử kháng chiến đều là những nguồn chất liệu rất giàu tiềm năng sáng tạo.
Chúng mình tin rằng, nếu sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng và thiết kế với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thì bất kỳ loại hình di sản nào – từ kiến trúc, lịch sử đến phong tục, lễ hội, đều có thể trở thành chất liệu hấp dẫn cho công chúng trẻ tiếp cận và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.