Trong khuôn khổ dự án “Ngôi sao vị Việt” của Cá House Production, những món ăn tưởng như đã rơi vào quên lãng bỗng sống lại bằng một cách giản dị mà sâu sắc. Không phải sơn hào hải vị, cũng không được trình bày công phu, nhưng từng phần cơm độn bo bo cháy đáy nồi, miếng sắn luộc, lương khô quân đội hay khoai lang xéo đều gói trong đó làn khói thời gian và hương vị của sự kiên cường.
Ký ức từ những điều mộc mạc nhất
Không gian của “Ngôi sao vị Việt” không đơn thuần là phục dựng ẩm thực mà là tái hiện ký ức. Mỗi món ăn đều được lựa chọn từ lời kể của ông, của bà – những người từng sống, từng nếm, từng nhường khẩu phần ăn của mình cho đồng đội, cho con cháu. Cơm độn bo bo cháy cạnh dưới đáy nồi, tuy khô khốc nhưng thơm mùi gạo mới và mùi hun khói – mùi của những năm tháng “còn sống là còn gánh trên vai hy vọng”.
Miếng sắn luộc khô khốc, không ngọt như giống sắn ngày nay, ăn nhiều đến trầy cả lưỡi, nhưng lại là cứu tinh trong những ngày cả làng, cả xóm thiếu gạo. Những thanh lương khô quân đội – thứ “lương thực quốc dân” của bộ đội trên đường hành quân, được bẻ đôi nhường nhau trong rừng sâu hay trên đồi lộng gió. Còn khoai lang xéo, món ăn dân dã từ khoai nấu nhừ với mật, được xắn bằng muôi, dẻo quánh, gói trọn ấm no trong những bữa ăn hiếm hoi có vị ngọt.
Cơm độn bo bo cháy đáy nồi – món ăn có lẽ giờ chỉ nằm trong câu chuyện của thế hệ trước. (Ảnh: Cá House Production)
Những củ khoai mì (sắn) luộc đã trở thành món ăn vững chắc cho những người chiến sĩ xưa. (Ảnh: Cá Production House)
Không chỉ là một cuộc trình diễn ẩm thực, “Ngôi sao vị Việt” là lời cảm ơn chân thành của thế hệ sinh ra trong hòa bình. Những người trẻ hôm nay đã được học, được sống, được lớn lên trong yên bình, chính nhờ sự đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt của thế hệ đi trước. Việc chọn cách nhắc lại quá khứ thông qua vị giác là một lựa chọn tinh tế: không áp đặt, không kể lể, chỉ là gợi mở – đủ để người ăn chậm lại, lắng lại.
Một lần cắn vào miếng cơm cháy, một lần chấm lương khô vào nước lọc, một lần cảm nhận vị chát bùi của khoai luộc – tất cả như một bài học lịch sử không sách vở nào giảng dạy được. Đó là thứ tri thức đi thẳng vào lòng người.
Nguyễn Phương Linh (26 tuổi, Đà Lạt) chia sẻ: “Nghe ông mình bảo lương khô quân đội ngày xưa cứng lắm, mà không có đủ điều kiện để làm ngon như lương khô thời bình bọn mình đang bán. Vậy mới thấy cuộc kháng chiến khắc nghiệt đến nhường nào. Thứ mà hôm nay chúng mình coi là món ăn tiện lợi, thơm bùi, khi xưa từng là cứu cánh trong những ngày hành quân thiếu thốn.”
Ẩm thực và ký ức – thứ lưu giữ cả một dân tộc
“Ngôi sao vị Việt” không đơn thuần là một dự án phục dựng ẩm thực, mà là hành trình đánh thức những lớp ký ức đã phủ bụi thời gian, bằng con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim – vị giác. Trong vô vàn cách kể chuyện về chiến tranh, những món ăn mộc mạc ấy lại là thứ gợi nhắc nhẹ nhàng nhưng dai dẳng nhất. Không bi lụy, không phô trương, chỉ một bát cơm độn khét cạnh, một miếng sắn luộc cứng đầu, một gói lương khô vuông vức… cũng đủ để nhắc người ăn rằng có một thời, được no bụng là điều xa xỉ.
Những hương vị mang cả khát khao hòa bình được đội ngũ tái hiện đầy tự hào dưới hình ảnh lá cờ Tổ quốc. (Ảnh: Cá Production House)
Những món ăn ấy không được bày biện trong ánh đèn rực rỡ, cũng chẳng cần những ngôn từ hào nhoáng để tôn vinh. Chúng hiện diện trong sự lặng lẽ và khiêm nhường – như chính những người từng đi qua cuộc chiến. Thứ khiến người ta đứng chậm lại trước mâm cơm không phải vì đó là đặc sản, mà vì mỗi món ăn là một lát cắt lịch sử, một mảnh hồi ức, một nén hương ký ức thắp lên bằng mùi khói bếp và tiếng thìa chạm đáy nồi.
Và đó là điều quan trọng nhất: khiến con người nhớ. Nhớ để biết rằng sự đầy đủ hôm nay không tự nhiên mà có. Nhớ để hiểu rằng, phía sau tự do là biết bao hy sinh không tên. Một phần cơm cháy không còn là biểu tượng của thiếu thốn, mà là tấm huy chương cho sự chịu đựng lặng lẽ và bền bỉ. Một miếng khoai xéo không chỉ ngọt ở đầu lưỡi, mà còn ngọt ở nơi sâu nhất của lòng biết ơn.
Ẩm thực, trong hình hài giản dị nhất, chính là di sản. Là thứ mà mỗi thế hệ có thể chạm vào, nếm thử, rồi truyền lại – như một cách âm thầm giữ lấy linh hồn của cả dân tộc.